December 10, 2016

Một tu sĩ đặc biệt



Một nhà sư, trụ trì một chùa, lại vừa thành lập và làm giám đốc liền lúc 2 công ty, buôn bán chán ngoài chợ, trong chùa chỉ có vài ba tượng Phật, không hương khói, không công đức, ngày rằm mồng một không lễ bái, không cho người lạ vào chùa, mắng chửi đệ tử như điên, suốt ngày đuổi học trò đi, nhưng lại là một Thượng tọa, giảng viên Phật giáo, đồng thời là một nhà khoa học, có bằng sáng chế độc quyền, nếu trong chưởng Kim Dung, cỡ đó phải là một bậc đại cao thủ.

Tôi có cô bạn, cơ duyên nào đấy theo học một khóa tu hay thiền gì đó ở đây, tôi cũng không rõ. Sau 3 tháng, tôi mò lên thăm.

Hạ cái Tôi và luyện chân tâm

Bạn tôi đứng đợi bên trong cái cổng sắt khóa xích. Cánh cổng này luôn khóa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, có lệnh của sư ông mới được mở. Cô cũng biết mã khóa nhưng không dám mở vì toàn bộ khuôn viên này đều bị lắp kín camera, đứa nào ra vào thầy biết hết, làm sai thầy chửi chết.

Mà thầy thì chửi luôn mồm, đệ tử nào thầy cũng chửi, “tao tao, bay bay” suốt. Hở ra thầy lại đuổi đi, vứt cả quần áo ra vườn.

Thế mà chẳng ai giận, chẳng ai đi, thầy vứt ra thì lại nhặt vào, thầy đuổi thì trốn, hết giận lại ra. Vì thầy bảo: Miệng tao chửi tụi bay nhưng tâm tao không chửi.

Đó là cách của thầy luyện cho đệ tử hạ cái Tôi. Chửi suốt nhưng học trò đông lắm. Rất nhiều đệ tử bỏ hết nhà cửa tới học mấy năm trời ở đây, bao nhiêu người làm quan mỗi năm cũng bỏ nhà tới đây sống cả tháng.

Vào trong này mọi người đều bình đẳng, lớn bé già trẻ to nhỏ gì cũng đều lao động, tập luyện, học pháp như nhau từ 4h sáng đến 8h tối hết.

Sư ông bảo: Mấy tháng nay tụi bay ở đây, không rượu chè, không hút thuốc, có chết không, lao động cả ngày, không ăn thịt chó, ăn chay, có chết không? Sau này ra đời có cần phải rượu chè, thịt chó nữa không?

Sư ông rất ghét nói dối, hay nói: Bay xạo, mà xạo thì không dùng được.

Chắc để cho học trò của mình “dùng được”, sư ông rất chú trọng việc luyện sống chân tâm, nghĩ thế nào thì nói như thế, muốn thế nào thì hành động như thế.

Khi sư ông nhắn bạn tôi hỏi tôi có muốn nghe giảng kinh không, tôi đồng ý ngay.

Tư tưởng Nhập thế

Tôi được nghe giảng về Kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh hướng dẫn lộ trình ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống, mà bản thân cuộc đời của sư ông vẫn cố gắng đi theo.

Là một nhà sư, có tên có tuổi trong giới tu hành, mà lại ra chợ bán hoa lan, buôn bán thương trường, nghe có vẻ rất đối nghịch. Nhưng sư ông lại rất tự hào về việc đó. Vì ông ngộ ra rằng: Làm các việc phàm phu mà vẫn giữ Phật đạo, đó mới thực là tu hành. Có Tu và có Hành.

Hồi ban đầu, khi biết ông đi bán lan, một quan chức trong giáo hội Phật giáo bay vào Sài Gòn, ra chợ tận mắt chứng kiến, hỏi ông: Tại sao là một người tu hành mà lại ra chợ buôn bán?

Ông trả lời: Tại sao đức Phật phải cầm bát đi khắp nơi xin ăn?

Nghe thế, vị sư kia không nói thêm câu nào, chụp cùng ông một bức ảnh kỷ niệm và từ đó không ai thắc mắc việc ông đi bán lan.

Lại có người hỏi, ông buôn bán cả ngày như thế, tu vào lúc nào. Ông trả lời: Đời không Đạo biết gì mà sửa, Đạo không Đời biết sửa với ai.

Đời thì thay đổi từng giờ, phát triển liên tục. Người tu hành muốn cứu nhân độ thế thì phải hiểu nhân, hiểu thế, muốn hiểu thế phải nhập thế, phải đi vào cuộc sống bình thường. Những người chỉ sáng kinh chiều kệ trong chùa sao mà hiểu được.

Tự lợi và Lợi tha

Mấy tháng trước, tôi lên Đà Lạt theo bạn chụp ảnh cưới, tình cờ có quen một Việt kiều Mỹ. Anh nghe nói ở đây có một công ty duy nhất có thể sản xuất được sâm Ngọc Linh. Anh tìm đến để bắt mối xuất sang Mỹ.

Lúc về, anh ta đỏ mặt tía tai quát tháo: Công ty gì mà kỳ, giám đốc lại là ông sư, mà cứ đuổi ra ầm ầm, bộ không muốn buôn bán gì hay sao.

Đúng là công ty này không muốn buôn bán gì thật. Sâm ở đây sản xuất bằng phương pháp cấy ghép mô theo bằng sáng chế của sư ông. Sâm làm ra không bán, chỉ đi làm từ thiện.

Sư ông còn một công ty nữa, trồng hoa lan. Dùng công ty lan để nuôi công ty sâm.

Ông quan niệm, Tự lợi và Lợi tha. Bản thân mình phải Có - Tự lợi, thì mới làm lợi được cho cộng đồng - Lợi tha.

Bởi vậy, người tu hành đầu tiên phải tự lo được cho mình, tự thân, tự túc không dựa vào chúng sinh. Trong chùa của ông chẳng hề có hòm công đức.

Ông nghiên cứu, trồng hoa lan để bán lấy tiền. Đầu tiên để ông tự sống. Sau đó, tiền lan và tiền cúng dường của đệ tử, ông không xây nhiều chùa, cất thêm tượng Phật, mà ông nuôi học trò, nuôi công ty sâm làm từ thiện, mở các trung tâm dạy yoga miễn phí, dịch và in kinh sách tặng chùa chiền, tu viện.

Đi ra thương trường, là ông tu theo các bậc trung, tu giữa chợ, “bậc tiểu tu trong chùa, bậc trung tu giữa chợ, bậc đại tu trong triều”.

Bậc đại trong lịch sử Việt Nam chắc chỉ có vài người cỡ như sư Vạn Hạnh, Khuông Việt đạt được.

Cuối buổi, cả lớp xếp bằng ngồi trì chú, miệng nhẩm “Úm ma ni bát mê hồng”. Tôi không thể ngờ, bạn tôi mới 3 tháng trước còn không biết gì, người mảnh mai run rẩy, mà bây giờ nội lực đầy đặn, giọng niệm rền vang tràn ngập gian phòng. Mừng cho cô được đi con đường chính đạo.

Học xong, tất cả kéo nhau xuống bếp ăn. Sư ông cũng ngồi quây quần ăn chung giống như mọi người, tay bốc lạc nhai.

Tôi đến cảm ơn sư ông về bài giảng. Sư ông bảo: Ở đây ăn cơm xong rồi về.

Đã được nghe về chân tâm, tôi chẳng khách khí, ngồi xuống chén liền 3 bát.

Sư ông hỏi: Bay thấy ở đây thế nào?

Tôi nói: Dạ, thoải mái và không kiểu cách.

Sư ông bật cười: Kiểu cách gì, mạnh ai người nấy ăn, mạnh ai người nấy sống, kiểu cách làm cái gì.

Tôi chỉ gặp sư ông và nghe giảng 1 buổi đó. Còn bạn tôi, khóa học chỉ 4 tháng, nhưng cô đã xin ở lại học thêm, chưa biết khi nào về.

Âm nhạc đường phố ở New York




Gã rất thong thả buộc cái dây đai trống vào lưng, không vội vàng, sắp xếp lại mấy cái trống to nhỏ trước mặt, cẩn thận chọn lựa một tư thế ngồi thật thoải mái, không liếc dòng người qua lại tấp nập trên ga tàu điện ngầm xung quanh lấy một lần.

Rồi như thể đã đến giờ làm việc, tay gã bắt đầu múa lên trên mặt trống, chân dậm lục lạc, lắc lư lắc lư, thản nhiên chơi, không quan tâm ai đang đứng nghe, cũng chẳng thèm ngó nhìn cái mũ đựng tiền vứt trước mặt.

Đó là 9 giờ sáng ở ga tàu điện ngầm Grand Central, New York. Gã đánh trống đó là một trong vô số nghệ sĩ đường phố chơi nhạc hàng ngày khắp con đường và ga tàu điện ngầm chằng chịt trong lòng đất New York. Một du học sinh ngành Hoa Kỳ Học ở đây nói với tôi: “Âm nhạc đường phố là một trong những điểm thú vị nhất của New York”.

Sau chuyến bay dài, tôi đến New York vào một ngày mùa thu, một mùa rất đẹp với bầu trời trong vắt và lá vàng rơi trong công viên Trung tâm. Tôi gặp âm nhạc khắp nơi trên đường phố New York. Ở ga tàu điện ngầm có gã da đen ngồi đánh trống. Lên tàu tôi thấy nhóm Mehico ria mép dài vẩy ghita. Góc phố là cây violin đang kéo ca khúc của Beatles.

Họ đang biểu diễn, biểu diễn chứ không phải chỉ đánh đàn xin tiền khách qua đường. Tôi nghe được họ luôn đánh chỉn chu cả bài hát. Tôi thấy họ vẫn điềm nhiên say sưa chơi cả khi không ai đứng nghe.

Nhạc thì đủ thể loại, nhạc cổ điển, nhạc pop, hiphop, jazz, flamenco, cả opera, cả những thể loại mà tôi không biết gọi là gì. Ví dụ như cô gái đội mũ phù thủy kia đang chơi nhạc bằng một cái cưa. Sau này tôi mới biết, cô gái đó được mệnh danh là Saw Lady (Quí cô cầm cưa). Cô theo đuổi một dòng nhạc gọi là Musical Saw (Âm nhạc bằng cưa), đã từng biểu diễn cùng các dàn nhạc lớn như Israel Philharmonic, Westchester Philharmonic, Royal Air Moroccan. Hộp đựng tiền thưởng của cô nhận được cả hoa hồng, gấu bông hay có lần là một cuốn tiểu thuyết còn nguyên bao bọc. Nghề của cô là biểu diễn đường phố.

Đối với đa số người dân New York, biểu diễn đường phố được coi là một nghề. Một nghề rất tự do. Theo luật, bất kì ai cũng có quyền tự do chơi nhạc dưới ga tàu điện ngầm, trên phố hay trong công viên và nhận tiền thưởng của khách đi đường.

Chính vì tự do như vậy nên đường phố và ga tàu điện ngầm trở thành như một Lương Sơn Bạc thứ hai, đón nhận tất cả những tâm hồn phiêu bạt, những người sa cơ lỡ vận, những nghệ sĩ có tài nhưng không có việc, những kẻ đam mê. Một người Hoa kéo nhị không nói được tiếng Anh, một tay ghita bass điên cuồng, một cô gái Nga viết nhạc và chơi đàn trên đường từ tuổi chưa lên 10.

Khi mới sang Mỹ, tôi làm một công nhân đóng hàng. Công việc quá vất vả, thế là tôi bỏ” – Lupita, vũ công người Colombia nói thế khi anh bỏ việc, gia nhập vào đội quân đường phố.

Trên vỉa hè đường Broadway, Larry Wright cởi trần, người đen nhánh bóng loáng mồ hôi, hai tay cơ bắp nổi cuồn cuộn gõ liên hồi kì trận lên đống xô nhựa trước mặt trong những tiếng ồ la lên tán thưởng của đám đông vây xung quanh.

Larry Wright không bỏ việc, bởi công việc của anh là ở đây, anh đã biểu diễn trên các con phố New York từ hồi lên 5. Anh gặp vợ khi đang biểu diễn trên đường và bây giờ ngày ngày anh dùng xô nhựa làm trống đệm nhạc cho 3 cô con gái 4, 6, và 7 tuổi nhảy, thêm cả vợ nữa, tất cả vẫn trên đường.

Trung bình mỗi hôm gia đình anh kiếm được 300$, một khoản không hề tồi so với mức thu nhập trung bình 55.000$/năm của New York.

300$ là một số tiền lớn, không phải dễ dàng kiếm được. Các nghệ sĩ đường phố cũng phải lao động cật lực, biểu diễn liên tục nhiều giờ mỗi ngày như lời của Roger G, một diễn viên kịch câm đường phố: “Càng chăm chỉ, cuộc sống càng tốt đẹp hơn”. Mỗi khi ga tàu điện ngầm vắng khách, Lupita lại cởi áo ra vắt mồ hôi như vắt chiếc khăn vừa mới giặt.



Là nơi qui tụ đủ mọi tâm hồn trên đời, sự đa dạng trong cộng đồng đã biến thành sự cạnh tranh quyết liệt. Để lấy được tiền thưởng từ khách đi đường, các tâm hồn phải rất sáng tạo.

Một người ở New York từng nói: “New York luôn có ý tưởng mới mỗi ngày, và mọi ý tưởng đều có thể được mang ra đường”.

Người ta có thể thấy ban nhạc một người, chân dậm trống, tay đệm ghita, miệng vừa hát vừa thổi kèn. Lupita khiêu vũ cùng búp bê. Larry Wright gõ xô nhựa và gõ vào bất kì cái gì xung quanh anh để tạo nên nhịp điệu.

Terry F Wicks thì bỏ việc không phải vì công việc quá vất vả như Lupita, thậm chí anh còn là một kĩ sư khá thành đạt và có một cuộc sống ổn định với gia đình ở St. Louis nhưng anh nói: “tôi không hạnh phúc với cuộc sống này”, rồi từ bỏ tất cả, lên New York để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc.

Lời khuyên anh nhận được khi lên New York là hãy chơi nhạc trên đường: “Đường phố là nơi dạy cho người ta chơi nhạc bằng cả trái tim. Muốn tồn tại, anh phải học cách chạm được vào tâm hồn người nghe

Đúng. Biểu diễn đường phố không hề dễ. Hành khách ra đường hay xuống tàu điện ngầm không phải để xem biểu diễn, họ đi làm. Mỗi nghệ sĩ chỉ có một vài chục giây rất ngắn để gây ấn tượng với khách ngang đường trước khi biến họ trở thành khán giả. Và mỗi khán giả này cũng chỉ đứng nghe một, hai bài mà thôi. Nếu bạn không lay động được trái tim họ, bạn sẽ không có tiền.

Nếu bạn làm được, bạn sẽ được thưởng nhiều hơn chỉ là tiền. “Khi tôi thấy tôi là người mang lại nụ cười cho tất cả mọi người, từ 1 tuổi cho tới 100, người Mỹ, người Hoa, người Nhật, tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Tôi vô cùng tự hào” – Lupita nói thế.

Dọc theo hàng người xếp hàng, lúc nào cũng dài dằng dặc cả kilomet để ra thăm tượng Nữ thần Tự do, cứ cách vài chục bước chân lại là một nhạc công đang chơi nhạc. Một tay kèn hỏi tôi: “Where are you from?”. Tôi trả lời: “I’m from Vietnam”. Tay đó cầm kèn lên: “Đoàn quân Việt Nam đi...”. Tôi đứng nghiêm. Được nghe Quốc ca do một nghệ sĩ Mỹ biểu diễn giữa một hàng dài người đủ mọi quốc tịch dưới chân tượng Nữ thần Tự do, đâu dễ có.

Tôi đã đi nhiều thành phố. Tôi thấy những thành phố văn hóa đều có âm nhạc đường phố. Các nhạc công đánh nhạc khắp khu phố cổ Plaka ở Athens, Hi Lạp. Người ta thổi kèn dọc trên đường Tel Aviv, Israel. Tôi còn nhảy theo tiếng nhạc của họ giữa đường.

Các nghệ sĩ cho rằng âm nhạc đường phố không chỉ làm đa sắc thái cho đường phố mà còn cải thiện mối quan hệ trong cộng đồng. Còn ở Hà Nội, trong một dự án “Âm nhạc cho cộng đồng”, những chàng trai trẻ đến từ nước Úc chơi đàn bên Hồ Gươm, hôm sau trên báo có tít: “Tây xin tiền ngay Bờ Hồ Gươm”.

Che Guevara





Tớ cũng có cảm tình với Che Guevara. Vì sếp tớ ngày xưa bảo, đấy là biểu tượng của sự nổi loạn, rồi bác ấy xách xe máy chạy dọc Nam Mỹ và còn là người Achentina nữa (đồng hương với tango).

Bác ấy có bức ảnh chân dung cực đẹp, được in khắp nơi, trông phong trần và cương nghị vô cùng.

Chạy xe về, bác ấy viết quyển Nhật ký xe máy, cũng nổi tiếng lắm.

Sau khi đọc xong, tự nhiên tớ thấy băn khoăn, biểu tượng gì mà lại nhạt nhẽo thế này.

Đi tìm hiểu kỹ, hóa ra bác ấy nhạt nhẽo thật. Bác lên biểu tượng là nhờ công tô vẽ của bác Phi Đen và mấy bác cánh tả chống Mỹ cuồng ở Pháp.

Chưa kể cái Hành trình xe máy của bác ấy 8.000km, bác cháu chỉ chạy xe có hơn 2.500, bằng chuyến xuyên Việt, còn lại là đi ô tô. Thế mà vẫn gọi là “xe máy”, như thật.

Người ta hay dẫn cái câu nói của bác trước khi chết: Bắn đi, đồ hèn, bọn mày chỉ giết được một con người.

Nhưng mà lúc bác bị bắt và bị bắn, chỉ có Mỹ với Bolivia, chả có ai khác. Mà bọn đấy bảo, lúc ấy bác đói nhăn, giơ cả xương sườn, mồm xin tha mạng:

- Đừng bắn, tôi là Che Guevara, còn sống có giá hơn chết.

Chả biết câu “bắn đi” ai bảo thế.



Bác thân là thủ lĩnh quân du kích Cuba, mà tìm mãi không ra tài liệu gì nói về các trận đánh, chiến công cụ thể về quân sự của bác. Chỉ có mấy cái nói bác thắng đúng 1 trận nhỏ nhỏ duy nhất ở Santa Clara. Ai tìm ra thêm tài liệu gì cho tớ tham khảo với nhé.

Bác làm du kích, trốn chui trốn nhủi trong rừng nhiều nên khoái Việt Nam lắm. Bác tuyên bố: Chúng ta cần 2, 3, và nhiều Việt Nam hơn nữa.

Chắc hồi làm du kích ít được đánh nhau, nên khi cách mạng Cuba thành công, bác trở nên cuồng bắn giết. Làm giám đốc nhà tù một mẩu thời gian, bác đã cho tử hình cả trăm người, tất nhiên là chả cần xét xử gì hết. Bác bảo:

- Đây là cách mạng. Chúng ta không dùng các phương pháp tư sản. Bằng chứng chỉ là phụ. Chúng ta hành động bằng niềm tin.

Bằng cái niềm tin ấy, nhiều lúc bác đích thân ra tay bóp cò. Bác ghi cả vào nhật ký của mình:

- Tôi nã viên đạn 0.32 vào bán cầu phải của não bộ y, và viên đạn bay ra từ bên thái dương trái. Y ngắc ngoải rồi gục xuống chết ngay.

Có vẻ vẫn chưa đủ độ phê, bác còn muốn chơi cả vũ khí hạt nhân. Vụ khủng hoảng tên lửa Cuba, lúc Liên Xô rút về, cả thế giới thở phào vì tránh được nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Riêng bác làu bàu: Mẹ kiếp, chả phải tay ông, ông bấm nút luôn.

Máu hơn, bác muốn xuất khẩu “du kích” ra khắp thế giới. Bác liền bỏ Cuba lên đường, đi Congo, và thua be bét.

Không nản, bác đi tiếp sang Bolivia. Lúc này, Cuba chán rồi, cóc thèm hỗ trợ cho bác nữa, thế là bác đói nhăn, ăn hết cả lừa ngựa chở vũ khí, cuối cùng là bị xích.

Lúc này, để tuyên truyền, Cuba liền tung bác lên thành người anh hùng giải phóng dân tộc, chống đế quốc. Bức chân dung rất đẹp của bác được in khắp nơi, nhất là không mất phí tác quyền, vì tác giả nó cho không, tạo nên một biểu tượng cách mạng lãng mạn, lan truyền rất mạnh trong mấy bác ghét Mỹ.

Bây giờ, mấy người nổi nổi mà thần tượng Che ở Tây, đa phần là ít học với hành xử hạ lưu, như kiểu Maradona với Mike Tyson. Tìm mãi chưa thấy ai thượng lưu, trí thức mà thích Che cả. Các bạn biết ai thì cho tớ biết với nhé.

Còn lại, như ở Nhật chẳng hạn, người ta lấy luôn hình bác Che làm cảnh báo nguy hại khi hút thuốc, giống kiểu răng vàng mồm hôi trên mấy bao thuốc ở Việt Nam ấy.

Vì cuối cùng, bản chất bác Che chỉ là một kẻ hung hăng, máu lạnh, giết người không tanh tay chứ chẳng có công trạng gì để đáng nổi loạn và tự do như tuyên truyền, ngoại trừ đẹp trai, hút xì gà xịn và chụp ảnh lừa tình.

À, nhân nói về ảnh. Bác Che chụp lúc nào cũng nghiêng nghiêng đầu, rất có dáng.

Thực ra là bác cháu bị điếc 1 tai, nên lúc nào cũng phải vênh vênh 1 bên để hóng hớt, chẳng may lại thành hình đẹp mới chết. Không tin cứ nhìn các ảnh mà xem, lúc nào chả vểnh tai trái lên.

October 20, 2016

A Media Luz - Bài tango dâm đãng




Tango là tình dục. Dù sau này tango đã khoác vẻ thanh tao hơn, sang trọng hơn nhưng khởi nguồn và phát triển vẫn là tình dục.

Đặc biệt giai đoạn đầu tiên, lời thô thiển tình dục, đến nỗi bị kiểm duyệt thẳng tay. Như lời đầu của El Choclo bây giờ vẫn còn trong bảo tàng, nhưng không thể tìm nổi bản phát hành nào hát vì bị cấm tiệt do quá thô tục.

Thế nên, dần dần, để tránh kiểm duyệt mà vẫn giữ tình dục của tango, các bác viết lời mới chơi từ lóng. Dùng nhiều đến mức từ lóng trở thành luôn một đặc trưng của lời tango.

A Media Luz là một bài khá tài tình. Tài tình ở chỗ vẫn là tình dục, thậm chí còn rất mời gọi, lồ lộ ra, nhưng xét từng từ ngữ thì chả có gì để bắt bẻ kiểm duyệt được, cũng không thèm dùng từ lóng luôn, vì dùng thủ pháp dùng hình gợi ý như của điện ảnh.

Nếu để ý, những cảnh quay được bầu chọn là nhục cảm nhất, khêu gợi nhất, nóng bỏng nhất trong phim, toàn là những cảnh “mơn trớn gần gần”, nghĩa là toàn “gần như làm tình đến nơi” nhưng vẫn chưa làm tình, chứ không phải lột hết, hở hết mới khêu gợi.

A Media Luz chính là như vậy, mô tả những “điều kiện chuẩn bị cho làm tình”, tâm lý “chuẩn bị làm tình”, mà còn là cuộc tình vụng trộm, lén lút nữa.

Chuyện vụng trộm này cũng khá thường ở Buenos Aires những năm 1920. Chàng nàng gặp nhau ở milonga. Rồi muốn gặp lại “riêng tư” hơn, nàng đến “căn hộ độc thân” của chàng ở dưới phố.

Những căn hộ này được thiết kế, bài trí hết cỡ cho việc làm tình, hưởng thụ và kiểu cách nữa.

Đây:

Nội thất đồ Maple, một dạng Ikea bây giờ, piano, đèn cây, máy quay đĩa và tango, sofa, gối, cocain, thảm rất êm không tiếng động (làm gì mà cần thảm không tiếng động nhỉ).

Một lời mời gọi lộ liễu:

Số điện thoại là Juncal 12-24
Cứ gọi đi, đừng ngại
Chiều, chúng ta có trà và bánh ngọt
Và tối, tango với tình yêu

Quan trọng nhất là tất cả đều trong ánh sáng mờ ảo. Luz tiếng Tây Ban Nha vừa là ánh sáng tự nhiên, vừa là ánh đèn. Nhưng ở đây thì nó là ánh sáng nhân tạo, cố tình tạo ra mờ ảo, theo một nghĩa đen nhất, bằng tấm màn nhung, để làm tình, chứ chẳng màu mè, mỹ miều, lãng mạn kiểu “chạng vạng” đâu.

Tấm màn nhung mềm mại
Cho ánh sáng mờ, để yêu

Cái ánh sáng mờ đấy chính là điểm nhấn của bài:

Tất cả trong ánh sáng mờ
Trong ánh sáng mờ, ôi tình yêu
Trong ánh sáng mờ, ôi nụ hôn
Trong ánh sáng mờ, ôi đôi ta

Nghe đầy rạo rực. Chính vì thế mà A Media Luz này bị nhà văn José Gobello gọi là một bài tango “dâm đãng” chứ không phải “gợi tình”.

A Media Luz - Ánh sáng mờ

Phố Corrientes, nhà số 3, số 4, số 8
Tầng 2, thang máy
Không gác cổng, không hàng xóm
Một căn phòng, có cocktail và tình yêu

Nội thất hiệu Maple
Piano, tủ và đèn giường
Ai đó đang nói điện thoại
Máy quay đĩa chơi một bài tango xưa
Chú mèo sứ im lặng
Không ngoao lên một lời

Và tất cả ở trong ánh sáng mờ
Trong ánh sáng mờ, tình yêu
Trong ánh sáng mờ, nụ hôn
Trong ánh sáng mờ, đôi ta

Và tất cả trong ánh sáng mờ
Mờ như thể hoàng hôn
Tấm màn nhung mềm mại
Cho ánh sáng mờ, để yêu

Số điện thoại anh là Juncal 12-24
Em cứ gọi, đừng ngại
Buổi chiều chúng ta sẽ có trà và bánh ngọt
Tối, tango với tình yêu
Chủ nhật chúng ta uống trà và khiêu vũ
Thứ Hai ta lại chia tay

Căn phòng anh có mọi thứ
Nhiều gối và sofa
Cocain chính hiệu trong cửa hàng
Thảm êm không tiếng động
Thêm cả chiếc bàn cho tình yêu

Và tất cả ở trong ánh sáng mờ
Trong ánh sáng mờ, tình yêu
Trong ánh sáng mờ, nụ hôn
Trong ánh sáng mờ, đôi ta

Và tất cả trong ánh sáng mờ
Mờ như thể hoàng hôn
Tấm màn nhung mềm mại
Cho ánh sáng mờ, để yêu

August 26, 2016

Kuroneko no Tango - Mèo mun nhảy tango


Bài này rất nổi tiếng ở Nhật, gốc là một bài hát thiếu nhi của Ý, Em muốn một con mèo đen. Bài thiếu nhi nên lời và nhạc cũng đơn giản, là trẻ con nhõng nhẽo đòi một con mèo đen nhưng mà lại được cho con mèo trắng

Cho anh cả vườn bách thú đấy
Em chỉ muốn một con mèo đen
Sao lại đưa em con mèo trắng
Em không đồng ý, không đồng ý

Với tôi, một điệu “buồn và suy tư” như tango đòi hỏi một chiều sâu và trải nghiệm nhất định để biểu đạt. Mấy cái đó có vẻ không phù hợp với trẻ em, nên bài này nghe không ra “chất tango” lắm.

Lời của Nhật thì thú vị hơn. Thoạt nhìn thì vẫn là về mấy “con mèo đáng yêu”
Mèo mun đáng yêu của tôi
Ruy băng đỏ hợp với em quá đi thôi


Tango, tango, mèo mun nhảy điệu tango
Người yêu tôi là mèo mun

Vẫn kiểu dễ thương, nhí nhảnh thế nên toàn thấy trẻ con hát, kể cả ban nhạc người lớn Von Trapps hát cũng dễ thương, cuối bài lại còn “ngoao” một cái nữa, đúng kiểu mèo.

Nhưng với tinh thần của tango, bài này không phải nói về một con mèo, mà là một cô gái.

Mèo mun là hình tượng cô người yêu tác giả. Một cô gái đẹp, lả lơi và dễ thay đổi.

Hình ảnh “mèo nhảy điệu tango” rất hay. Người ta vẫn thường ví nữ trong tango bước đi như mèo, nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển và có phần lả lơi.

Nữ tango lả lơi để đi cặp với Nam trong tango lịch lãm. Lịch lãm không phải kiểu lịch sự, quý tộc, sang trọng như Waltz cung đình châu Âu, mà là kiểu chải chuốt, sành điệu kiểu thượng lưu, lõi đời, ăn chơi và hơi… đểu. Rhett Butler của Clark Gable chính là một hình mẫu tiêu biểu “lịch lãm” này.

Cô gái nhảy tango đẹp, lả lơi, nên sẽ có nhiều chàng trai lao vào tán tỉnh, là bọn “mèo hoang” trong bài:
Bọn mèo hoang vây tới phỉnh phờ

Cô gái này lại hay thay đổi, thất thường:
Đôi khi em xòe móng vuốt
Cào vào cảm xúc của tôi
Sao em mau đổi thay như vậy, mèo mun

Bởi thế, lời bài hát này là nỗi phiền muộn, âu lo, bất an của một anh chàng có cô người yêu đẹp, tính hay đổi thay, lúc nào cũng nhiều trai khác vây quanh tán tỉnh. Anh ta rất yêu cô, nhưng nếu cô đi quá anh sẽ bỏ cô luôn. Như kiểu Rhett Butler nói: Thật lòng, em yêu, anh đếch quan tâm.

Lời ẩn ý kiểu thế, trẻ con không thể hiểu nổi, nên khi hát bài này, mấy cậu bé còn tưởng Tango là tên riêng của chú mèo.

Các phiên bản tìm được hiện nay, tất cả đều hát theo hướng trong sáng “con mèo”, mà không thấy ai hát kiểu “cô gái”, nên “chất tango” của bài này hơi nhạt. Hơi tiếc.


August 23, 2016

Cinema Paradiso



Có 2 bộ phim, mà đối với tôi, phim làm nền cho nhạc chứ không phải nhạc nền cho phim, đó là Cinema ParadisoBao giờ cho đến tháng Mười.

Mỗi lần xem Cinema Paradiso với tôi là một lần thưởng thức một bản nhạc, một bản nhạc đầy hoài niệm, về thời thơ ấu, thời trai trẻ, về niềm đam mê, về tình yêu, trong trẻo, mộc mạc, giản dị và buồn.

Có một sáng mùng 1 đầu năm, tôi mở nhạc Cinema Paradiso. Bố tôi bảo, đầu năm không nên nghe bản nhạc buồn thế. Tôi nói, đây là bài hát nhớ về tuổi thơ, đâu có buồn. Bố tôi bảo, nhớ về tuổi thơ bao giờ cũng buồn, bởi vì tuổi thơ bao giờ cũng đẹp.

Đúng thế, Cinema Paradiso buồn nhưng rất đẹp. Phim không có quá cao trào, không thắt mở, không kịch tính. Cả bộ phim êm đềm trôi đi trong tiếng nhạc. Những vui buồn, những chia ly, những đam mê, những tình cảm, tất cả đều có âm nhạc.

Cả Soundtrack của bộ phim quanh đi quẩn lại chỉ có vài chủ đề chính, chủ đề Rạp hát, Tuổi trẻ, và Tình yêu. Các giai điệu chủ đề xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt bộ phim. Nhưng những lần xuất hiện là một cảm giác thân thuộc như gặp lại một người thân chứ không hề nhàm chán.

Chủ đề Tình yêu có lẽ được nhiều người thích nhất, nhất là Perlman lại còn kéo violin cực hay nữa. Nhưng tôi lại thích nhất chủ đề Manhood. Cảnh chàng trai buồn bã đi về trong đêm giao thừa, dưới bầu trời đầy pháo hoa, sau khi đứng dưới cửa sổ nhà cô gái 100 đêm mà không được đáp lại, cùng với tiếng nhạc Manhood, tôi thấy đẹp, buồn da diết nhưng trong lành và chân thật.

Tôi dám cá rằng, những ai đã từng có một tuổi thơ mê say, một tình yêu trai trẻ, khi xem đến cuối bộ phim, họ có thể ngồi mãi, ngồi mãi xem cái đoạn kết trong tiếng nhạc chủ đề Tình yêu với chỉ 1 cảnh hôn nhau cắt từ các bộ phim cũ, bởi nó quá ấm áp, tình cảm và thân thuộc.

July 13, 2016

Phim Totem Sói



Gọi Totem Sói là kỳ thư cũng không sai. Nó là một dụ ngôn về chính trị, văn hóa, dân tộc, môi trường của người Trung Quốc cả nghìn năm gói gọn trong những sự kiện xảy ra chỉ trong 2 năm trên thảo nguyên Nội Mông bao la.

Rất nhiều người bạn của tôi sau khi đọc Totem Sói đã thề phải đến Mông Cổ một lần để được "nhìn" thấy Totem Sói. Bởi vậy khi bộ phim Totem Sói ra đời, tôi rất háo hức xem.

Một kỳ thư như thế chắc chắn không dễ dựng thành phim. Và đúng như vậy.

Bộ phim thứ nhất là không có "totem". Thứ hai là không có "Sói". Không có sự oai hùng trên thảo nguyên, không có sự quật cường của hoang dã, không có sự dữ dội của bản năng. Tất cả chỉ là một lũ "trông như chó hoang" rình rình đi cắn trộm ngựa, cắn trộm cừu.

Tất cả các câu chuyện dụ ngôn đều bị loại bỏ hết, kết quả bộ phim là 1 mớ những mảnh ghép chuyện lẻ tẻ rời rạc không nêu lên được một cái gì.

Các nhân vật bị mất sạch cá tính. Ông già Pilich nhạt nhòa, không khắc họa lên nổi tấm lòng sống chết với thảo nguyên, một đời đầy kinh nghiệm như vậy lại bị chết bởi cái bẫy sói. Casumai túm đuôi bắt con sói gộc trong truyện trở nên yếu đuối. Chưa kể lại có mối tình dở hơi chả ra đâu vào đâu bịa ra với Trần Trận. Rồi cả việc Dương Khắc đi câu dẫn con gái thảo nguyên nữa, mất hết cả ý nghĩa hình tượng!

Các chi tiết hay, "đắt" trong truyện thì bị "sến" hóa. Đoạn con sói bị ô tô đuổi chạy đến chết, chi tiết "người thành phố" đi đến xoa đầu con sói, con sói lăn ra chết vì kiệt sức trong truyện đầy tính ẩn dụ thì trong phim bỏ luôn xoa đầu, cố bi kịch hóa việc con sói lăn ra chết. Mất hết cả hay.

Con sói con, nhân vật chính trong truyện thì chẳng có một tí cá tính nào, bị dẫn đi chơi như dẫn con chó, trái ngược hẳn tính cách tự do của sói.

Tóm lại là rất chán. Nhưng cũng phải thôi, một câu chuyện lột tả tính tham lam, ích kỷ, ngu đần, bần tiện, dốt nát của bần nông Trung Quốc thì làm sao mà Trung Quốc cho lên màn ảnh được. Dù đó là đạo diễn nước ngoài.

June 24, 2016

Historia de un amor - Chuyện một tình yêu



Bài hát này rất quen thuộc với người Việt Nam với tiêu đề Chuyện tình yêu

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ,
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ…

Ngày xưa Ngọc Lan hát rất nổi tiếng, cô hát cả tiếng Pháp, giai điệu lại mềm mại, trữ tình nên mọi người đều nghĩ bài này của Pháp, nhưng thực ra đây là của một nhạc sĩ Panama, Carlos Eleta Almarán. Bản gốc viết bằng tiếng Tây Ban Nha, sáng tác vào khoảng năm 1955.

Bài hát ngoài tango ra còn có nhiều bản phối khác nhau, rhumba, bolero, flamenco. Tay guitar Nicolas Marks đánh theo phong cách flamenco rất thần sầu.

Bài này Almarán viết tặng anh trai mình, lúc anh trai mất đi người vợ khi tuổi còn rất trẻ. Lời bài hát là những buồn bã, đau đớn, khóc than người tình đã mất.

Thành thực mà nói, từng ý tứ, câu chữ của lời không có gì đặc sắc, thậm chí còn một chút kể lể, lê thê. Lời cũng hơi chung chung, nếu không biết lịch sử ra đời mà chỉ đọc lời không thì cũng khó mà biết bài hát đang than khóc người chết.

Bởi thế, tuy bài hát được rất nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng tôi thích nhất bản của Laura Fygi. Cô pha một chút jazz và hát lên được nỗi cô đơn, khắc khoải của hoài niệm một tình yêu đã mất, đúng như ý nghĩa của lời bài hát.

Còn lại, mọi người hầu như đều thể hiện bài hát thành một câu chuyện tình lãng mạn. Có Dalida hát bằng tiếng Pháp rất tha thiết, cũng rất hay nhưng tôi vẫn thấy bài này, kể cả lãng mạn, lời Tây Ban Nha hát vẫn hay hơn, “ăn” với giai điệu hơn, chưa kể ý nghĩa lời Pháp cũng nhạt hơn.

Lời Việt của nhạc sĩ Anh Bằng phổ, tôi không được biết bản gốc như thế nào, qua các ca sĩ như Ngọc Lan, Bằng Kiều hát thì cũng khai thác khía cạnh lãng mạn một mối tình dang dở.

Chuyện tình yêu đôi ta tháng năm đầy mộng mơ,
Chuyện tình yêu đôi ta ngất ngây thật kiêu sa.


Nhưng lời này nếu thay cẩn thận mấy chữ “anh, em” trong đoạn điệp khúc thì vẫn có thể mờ mờ hiểu theo được ý nghĩa gốc của lời Tây Ban Nha, như là:

Đến bây giờ em đã là cánh trắng chim bay sau chân trời,
Đến bây giờ em đã là bóng dáng cô liêu trong ngậm ngùi.
Đến bây giờ anh vẫn buồn nhớ,
Đến bây giờ anh xóa tình cũ,
Đến bây giờ anh hóa tượng đá,
Đứng thiên thu trông mong đợi chờ…


Cá nhân tôi, sau khi đọc lời thì không muốn dịch ra lắm, vì hơi sến. Theo tôi mọi người chỉ cần hiểu ý của bài hát và nghe từng từ tiếng Tây Ban Nha mà không cần hiểu thì thú vị hơn. Nhưng biết đâu dịch xong mọi người đọc chán quá lại quay ra hát lời Việt hết không chừng, thế cũng hay, nhỉ!

Chuyện một tình yêu - Historia de un amor (1955)
Nhạc và lời: Carlos Eleta Almarán (Panama)

Em đã không còn ở bên anh, người yêu dấu
Trong tâm hồn anh chỉ còn nỗi cô đơn
Nếu anh đã không được gặp lại em
Thì sao Chúa lại khiến anh yêu
Để giờ anh đau đến vậy

Em là lẽ sống của anh
Là niềm tin cho anh tôn thờ
Khi em hôn anh, anh tìm thấy
Cả ấm áp
Cả yêu thương
Cả say đắm

Chuyện tình của đôi ta
Là chuyện tình chỉ có một
Là chuyện tình cho anh hiểu
Lẽ xấu đẹp ở trên đời

Câu chuyện tình của đôi ta
Là ánh sáng của cuộc đời
Anh không còn gì nữa
Khi em đã lấy nó đi


Chuyện tình yêu
Nhạc: Carlos Eleta Almarán
Lời: Anh Bằng

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ,
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ.
Mình làm quen nhau trên đường vắng khuya,
Dìu nhau qua bao nhiêu hè phố mưa,
Ngồi ôm nhau công viên lạnh giá...

Chuyện tình yêu đôi ta tháng năm đầy mộng mơ,
Chuyện tình yêu đôi ta ngất ngây thật kiêu sa.
Và trần gian thênh thang chỉ có ta,
Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa,
Rồi chia ly rồi đến phôi pha...

Đến bây giờ em đã là cánh trắng chim bay sau chân trời,
Đến bây giờ em đã là bóng dáng cô liêu trong ngậm ngùi.
Đến bây giờ anh vẫn buồn nhớ,
Đến bây giờ anh xóa tình cũ,
Đến bây giờ anh hóa tượng đá,
Đứng thiên thu trông mong đợi chờ...

Chuyện tình yêu đôi ta đã qua giờ còn đâu?
Chuyện tình yêu đôi ta ngất ngây thành thương đau
Một mình anh lang thang đường phố khuya,
Tìm em trong công viên đầy gió mưa
Kỷ niệm ơi đừng chết trong ta!

January 20, 2015

Carlos Gardel



Tango có hai ông là hai mốc lớn, Carlos Gardel và Astor Piazzolla. Piazzolla là nhà đại cách mạng tango. Người ta nói: Tango được chia làm 2 giai đoạn, Trước Piazzolla VÀ PIAZZOLLA. Kể từ Piazzolla, thế giới tango mấy chục năm đến giờ vẫn chưa thoát nổi cái bóng của ông.

Không được “bao trùm” về nghệ thuật như Piazzolla, nhưng Carlos Gardel là người mang tango đến cho đại chúng. Ông được gọi là Vua tango, được dựng tượng ở Achentina, ngày sinh của ông được lấy làm ngày Tango quốc tế. Và nhạc của cả 2 ông này đều… không nhảy được.

Carlos Gardel đẹp trai, lịch lãm. Ông là ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên. Những bài hát hay nhất của ông là những bài hội tụ đủ cả 3 vai trò. Ông viết nhạc, đóng phim và hát bài hát đó trong phim.

Sự nghiệp của Gardel không dài, ông bị tai nạn máy bay trong một lần đi đóng phim ở Colombia. Nhưng phim và những bài tango rất “pop” của ông đã góp phần đưa tango được mọi người biết đến và đưa ông trở thành biểu tượng của tango.

Công bằng mà nói, một số bài hát của ông rất hay, khi được phối lại theo phong cách hiện đại vẫn đủ sức khuấy động thị trường âm nhạc sau gần 100 năm. Trong khi đó, đại đa số các bài tango “trước Piazzolla” chỉ còn giá trị trong cộng đồng nhảy tango mà không còn nhiều lắm giá trị về mặt âm nhạc.

El Dia Que Me Quieras


Bài tango này được xếp vào hạng kinh điển nhưng mà lại rất ít bản phối theo tango, hầu hết là đánh slow hay rhumba, có lẽ vì giai điệu của nó quá mềm mại.

Nhạc tango buồn. Lời tango sầu thảm, toàn là đau khổ, trăn trở, xa cách, nhớ nhung, bi thương. El Dia Que Me Quieras, Ngày mà em yêu anh, là một bài tango cực kỳ hiếm hoi mà lời lại lãng mạn, đẹp đẽ và tràn đầy sức sống.

Ngày mà em yêu anh
Đóa hoa hồng cũng nở rực rỡ…

Bài này Gardel hát trong bộ phim cùng tên. Trong phim, Gardel đóng vai một con trai nhà giàu nhưng yêu một cô gái nghèo. Mối tình bị phản đối, chàng trai bỏ tất cả để đến với cô gái.

Phân đoạn hai người ngồi trong vườn, Gardel cầm tay cô gái và cất lên tiếng hát El dia que me quieras, Ngày mà em yêu anh, nghe sao mà ngọt ngào, mà chân tình. Cảnh phim, lời hát, tất cả quyện vào nhau như tự nhiên nó phải thế. Với tôi, đây là bài hát tình cảm nhất của Gardel.

Một thời gian ngắn sau khi chung sống, cô gái bị chết vì đói nghèo. Chàng trai đau khổ bỏ xứ ra đi. Hai mươi năm sau khi quay lại, trên tàu từ xa nhìn thấy quê hương, những kỉ niệm buồn ùa về, Gardel hát Volver:

Những kỷ niệm xưa
Gắn chặt tâm hồn tôi
Lại khiến tôi bật khóc

Một điều thú vị là Piazzolla cũng góp mặt trong phim với một vai diễn nhỏ. Đây có lẽ là lần duy nhất hội tụ được cả hai huyền thoại của tango dù lần này chỉ có một người “tango”.

Por una Cabeza


Đây có lẽ là một thành công mà có khi Gardel cũng không ngờ tới. Xuất hiện trong phim Tango Bar, với giọng hát của Gardel thì bài này cũng không có gì đặc biệt.

Nhưng từ khi được phối lại, ban nhạc Tango Project chơi cho Al Pacino nhảy một bài nhảy tango vụng về nhưng ngập tràn cảm xúc trong Scent of a woman, thì Por una Cabeza như một quả pháo hoa nổ bung ra khắp thế giới.

Một loạt các phim có Por una Cabeza, Schindler’s List, True Lies, All the King’s Men,... Một loạt các bản ghi âm mới, chuyển soạn mới, trong đó có cả John William, Perlman.

Tôi sưu tầm được khoảng hơn hai chục phiên bản của Por una Cabeza, hát có, độc tấu có, hòa nhạc có. Có lần tôi ghi nguyên một đĩa chỉ toàn Por una Cabeza tặng bạn nghe cho thỏa.

Trong các phiên bản thì nổi tiếng nhất vẫn là bản phối của Tango Project, dài nhất có Rococo Quartet đánh hơn 7 phút. Nhưng tôi vẫn thích nhất bản độc tấu piano, nó có kịch tính, cao trào, và mãnh liệt như tôi vẫn tưởng tượng về điệu tango.

Tôi rất thích, nhưng chưa bao giờ dám nhảy bài này. Tôi luôn thấy bước chân của mình không biểu đạt nổi những đam mê, những quyết liệt, những cuồn cuộn trong từng nốt piano đó.

Bạn tôi có người mơ được nhảy Por una Cabeza trong đám cưới, có người muốn Por una Cabeza được chơi trong đám tang của mình. Có lẽ quá đủ cho một bài hát.

Gardel mất năm 45 tuổi. Trên chuyến bay đó có cả Pera, người chuyên viết lời tango cho ông.

January 19, 2015

Koh Kong, 1/1/2015


Điểm tập trung là ở Phan Văn Hớn. Tôi đọc địa chỉ và nhảy lên xe ôm. Ông xe ôm gật đầu lia lịa, phóng đi luôn, được một lát phanh kít xe lại ngoắc người đi đường: “Cậu, cậu, đường Phan Hảo Hớn ở đâu nhỉ?”. Thế là tôi đến chỗ hẹn chậm mất 1 tiếng đồng hồ.

Đến nơi tôi chỉ kịp nhảy lên xe và cả đoàn lên đường. Tôi ngồi sau chiếc Exiter của Thiên Thanh. Tên là Thiên Thanh nhưng mà tôi nhìn chả thấy tí “thanh” nào, người to đùng ngồi gần hết yên xe.

Thiên Thanh vuốt vuốt cái xe “Em cưng nó lắm”. Nói rồi, nó lách lách qua mấy cái xe rồi bỗng tít vụt lên 90km/h, phi như bay trên đường, 10 phút sau hạ tốc độ, khà một câu khoan khoái “phóng nhanh thật là đã!”.

Trong đoàn có một chiếc 67. Thắng Cò người lêu đêu, khẳng khiu đúng như cái cổ cò, “Xe tôi yếu lắm, có 50 phân khối thôi, toàn đi cuối đoàn không à”. Nhưng tôi chả thấy nó yếu tí nào, chấp hết mọi người chạy nhanh chạy chậm, lên dốc hay xuống đèo, nó vẫn phạch phạch bám sát ngay đuôi đoàn.

Cái xe bé tí, mà Thắng Cò chất lên đủ thứ lỉnh kỉnh, lều bạt, giáp tay giáp chân, thêm cả một cô vợ xinh xinh nữa. Hai vợ chồng, quần áo, đồ đạc trên xe xanh đỏ tím vàng như một gánh xiếc, từ xa đã không lẫn được vào đâu trên đường. Nhìn hai vợ chồng lắc lư, phăm phăm đuổi theo đoàn, tôi thấy giống hệt như phim Ai xuôi vạn lý, có chiếc 67 vượt đèo Hải Vân theo tàu Thống Nhất đi ra Bắc.

Đêm hôm đó chúng tôi dựng lều nghỉ tại Tràm Chim, Đồng Tháp.


Tôi chưa bao giờ đi cùng với đoàn nào mà lắm “đồ chơi” như đoàn này. Nào võng, nào lều, nào bếp, nào nồi, nào dao, nào đèn, nào quạt, nào bơm rồi thậm chí cả cưa. Trong nháy mắt võng đã mắc, lều đã dựng. Cả bọn ra ngoài ngồi thi gan với muỗi, nấu mì chờ năm mới. Năm mới vừa đến là cả bọn chui vào lều ngủ.

Ngủ chưa kịp say thì công an mò tới, xe ầm ầm, đèn pha rọi thẳng vào lều, “Ở đâu đến đây, tất cả ra ngoài”.

Lồm cồm bò ra. Ông trưởng đoàn Saba vừa thò mặt đã thấy tay công an nói “người quen” rồi tất cả lại phóng luôn đi mất, chẳng giấy tờ gì.

Chợp mắt cái nữa lại một xe phóng tới, tần ngần đứng cạnh mấy căn lều. Hùng Bộ đội một mình ngủ một võng thì thào “nằm im, nằm im, nó không biết có em nằm đây”.

“Khách” cứ viếng thăm như thế cả đêm cho đến 5h sáng, cả bọn lục tục dậy, lạnh run người. Ở ngoài Bắc, tôi cứ nghĩ miền Nam lúc nào cũng ấm, ai dè ngủ đêm trong lều lạnh gần chết.

Ngày 1/1/2015, chúng tôi qua phà Tân Châu, qua những ngôi làng Hồi giáo của người Chăm, chạy dọc kênh Vĩnh Tế về Hà Tiên. Đây là lần đầu tiên tôi đến kênh Vĩnh Tế mà không ghé qua chào Thoại Ngọc Hầu, người đào kênh Vĩnh Tế.

Con kênh chiến lược một thời thẳng tắp gần 90km, đào bằng sức người hết 5 năm vào tay bọn này chỉ mất hơn 2 tiếng là đi hết. Cả bọn chạy thẳng ra cửa khẩu Xà Xía sang Campuchia.


Campuchia không phải là nước tham nhũng đứng đầu nhưng hải quan Cam thì ăn tiền trắng trợn số 1. Không nhét 1-2$ vào hộ chiếu thì cứ đứng đó, đừng hòng thông quan.

Đặt chân ra “nước ngoài” đã 2h chiều. Trong lúc cả bọn vào quán ăn trưa thì ông Saba vật con Minsk ra chỉnh lại côn giữa trời nắng, “bọn mày cứ ăn đi, xe thế này tao nuốt không vô”.

Vật lên vật xuống một lúc, Thắng cò nhảy vào, “Để Cò, Cò ngồi nghĩ từ nãy Cò hiểu rồi”.

Hùng bộ đội rung đùi ngồi trên con cào cào của hắn, “các ông cứ làm bài của các ông đi, khi nào hết thì đến bài của tôi”.

Hùng bộ đội đi một mình một xe, nhất quyết không chở ai, kể cả vợ. Mấy lần vợ đòi đi theo không chối được, hắn cứ nhè ổ gà mà phi, vài chuyến là vợ hết đòi. Làm về kiến trúc nhưng hắn lại mê động cơ, suốt ngày chỉ thấy kể về chiến tích “dọn máy” xe vụn đi được Tây Bắc. Hắn thân thiện với tất cả mọi người, ai cũng nói chuyện rất nhanh được, thỉnh thoảng lại cất giọng hát. Tôi nghe giọng hắn tròn vành, rõ âm, kỹ thuật rất bài bản, hóa ra hắn có chân trong các ca đoàn Nhà thờ, lại còn đang học làm ca trưởng, thảo nào.

Cả bọn ăn xong rồi mà Saba với Thắng Cò vẫn đang nhịn đói đánh vật với con Minsk, mồ hôi nhễ nhại, chân tay dầu máy đen xì.

“Các ông xong chưa, đến bài của tôi”, đến lượt Hùng bộ đội, “tôi có 3 bài, đảm bảo chạy”. “Để Cò, Cò vừa ăn Cò thông minh lên rồi”,... Các loại “bài” được thi triển nhưng 6h chiều vẫn phải lắp xe vào chạy tạm vì còn gần 300km nữa để sáng mai kịp xuống tàu ra đảo sớm.


Hoàng hôn đỏ rực trên biển ven đường đi. Từ lúc sang Cam, tôi chuyển sang chở Mai Thơ, tránh cái thảm cảnh tranh nhau cái yên với Thiên Thanh mập.

Tắt nắng, trời cành lúc càng lạnh, rét run người. Cả bọn có bao nhiêu áo mang ra mặc hết, mặc thêm cả áo mưa. Trăng 11 mờ mờ, không đủ nhìn rõ, chỉ đủ thấy đường đi cứ hun hút, hun hút. Mắt ông Saba như mắt diều hâu. Xe Minsk đèn tối như con đom đóm mà ông ấy cứ một mình lao vun vút qua đèo.

Thỉnh thoảng Hùng bộ đội lại phóng vọt lên trước một đoạn xa rồi dừng lại, ngồi ngủ gà gật bên ven đường, nhìn từ xa như một thằng ăn cướp đang rình. Tôi và Mai Thơ thi nhau hát toáng lên trên đường cho đỡ lạnh và đỡ buồn ngủ.

Cứ thế 3h sáng cả bọn đến Koh Kong. Chả lều bạt gì, cả lũ trải áo mưa xuống nền, nguyên xi quần áo nằm vật ra ngủ. Hết một ngày đầu năm.



Hôm sau, sau 3 tiếng ngồi tàu, bọn tôi đã ra đến đảo. Nhìn cái tàu thả neo xuống nước trong vắt bên bãi biển cả lũ tỉnh hẳn người sau 2 ngày gần 700km không tắm rửa.

Trên đảo cũng gần như thần tiên. Đảo vắng, không có người lạ. Tên thì vác kayac chèo quanh vịnh, tên vác lao đi xiên cá. Mai Thơ ôm chặt bộ đồ lặn, chân nhái bơi cả ngày. Ra thuyền chài 5$ mua được một đống mực, cá tươi. Tối đốt lửa uống bia cả đêm. Sáng chui vào rừng, ăn thịt thú rừng ở lán thổ dân, leo lên đầu thác cạn.





Một ngày rưỡi trên đảo nạp đủ năng lượng và hứng khởi cho cả bọn chúng tôi, đủ cho chặng đường về với hơn 200km trên đất Campuchia kéo chiếc xe Minsk hỏng với đêm nằm lạnh buốt trong lều cạnh vườn người Khmer và 350km tan đàn xẻ nghé từ Hà Tiên về Sài Gòn.